Ngày nay với sự phát triển của xã hội ngày càng có nhiều công trình hiện đại mọc lên, nhưng bên cạnh đó vẫn có rất nhiều công trình được xây dựng từ lâu còn tồn tại đến hiện nay, những công trình đó như nhân chứng của dòng chảy thời gian. Hôm nay hãy cùng khám phá 5 ngôi thánh đường Công giáo cổ nhất Việt Nam nhé.
Bạn đang đọc: Khám phá 5 ngôi thánh đường Công giáo cổ nhất Việt Nam vẫn đẹp vẹn nguyên sau bao năm tháng
1. Nhà thờ Đức Bà – TP. HCM
Nhà thờ Đức Bà chỉ là tên gọi vắn tắt, ngôi thánh đường này có tên đầy đủ là Nhà thờ Chính toà Đức Bà Sài Gòn, nằm tại địa chỉ số 1 Công xã Paris, phường Bến Nghé, quận 1, Tp. Hồ Chí Minh.
Nhà thờ được khởi công xây dựng vào năm 1877 và được hoàn thành vào năm 1880 do kiến trúc sư người Pháp Jules Bourard thiết kế, vì vậy công trình này mang đậm phong cách kiến trúc Rô-ma kết hợp với lối kiến trúc Gothic, xây dựng bằng gạch có nguồn gốc từ Marseille (Pháp).
Ngôi nhà thờ bao gồm thánh đường, tháp chuông và công viên, trong đó thánh đường có tổng chiều dài 93 m, chiều rộng nơi lớn nhất đạt đến 35 m, mái vòm cao đến 21 m. Nhà thờ có thể chứa đến 1200 người. Trên cung thánh được chạm khắc vô cùng tinh tế, tỉ mỉ với những đường nét sắc sảo trên mặt đá cẩm thạch nguyên khối, mang dấu ấn phong cách phương Tây.
Được xem như là linh hồn ở nơi đây, tháp chuông bao gồm 2 tháp có cùng độ cao là 57 m (trước năm 1895 khi chưa có phần mái chóp phía trên, 2 tháp chuông cao 36,6 m) bên trong đặt 6 chuông. Ở công viên bên ngoài nhà thờ có đặt tượng Đức Mẹ Hoà Bình cao 4,6 m được làm từ đá cẩm thạch trắng có nguồn gốc từ Italy. Một điểm nhấn khác của nhà thờ là chiếc đồng hồ Thụy Sỹ được đặt ngay trước mái vòm, dù đã có tuổi đời hơn 1 thế kỉ nhưng vẫn hoạt động chính xác. Nhà thờ Đức Bà là nơi check-in không thể thiếu của nhiều người khi đến Sài Gòn.
2. Nhà thờ Đá – Sapa
Nằm tại trung tâm thị trấn Sapa, nhà thờ Đá là một trong những ngôi nhà thờ cổ của Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn tồn tại đến ngày nay và trở thành điểm đến của nhiều du khách khi ghé thăm thị trấn sương mù.
Công trình được xây dựng vào những năm 80 của thế kỉ XIX trong thời kỳ Pháp thuộc, mang đậm dấu ấn kiến trúc châu Âu với những đường nét thanh thoát, bay bổng được thể hiện ở phần mái và tháp chuông. Nhà thờ được xây bằng đá đẽo với tổng diện tích hơn 6000 m² bao gồm cả thánh đường và khuôn viên phía ngoài.
Nhà thờ Đá còn được du khách gọi bằng nhiều cái tên khác như nhà thờ cổ Sapa, nhà thờ Đức Mẹ,… Với kiến trúc độc đáo, nhà thờ đã trở thành nơi tham quan của nhiều người.
3. Nhà thờ Lớn – Hà Nội
Là một trong những ngôi nhà thờ cổ nhất Việt Nam, nhà thờ Chính toà thánh Giuse (nhà thờ Lớn – Hà Nội) toạ lạc tại quận Hoàn Kiếm, thủ đô Hà Nội. Được xây dựng vào năm 1887 với phong cách trung cổ châu Âu – Gothic dựa trên khuôn mẫu của nhà thờ Đức Bà Paris (Pháp), đặc trưng với những mái vòm uốn công, những đường nét thanh thoát hướng lên bầu trời.
Tìm hiểu thêm: Kinh nghiệm du lịch Thái Nguyên tự túc từ A đến Z, ăn gì ? chơi gì? ở đâu?
Đến nay đã gần 130 năm kể từ khi xây dựng, trải qua nhiều thăng trầm của đất nước, nơi đây như một nhân chứng của dòng chảy thời gian. Nhà thờ có chiều dài 64,5 m, rộng 20,5 m và 2 tháp chuông cao 31,5 m được xây dựng bằng đất nung. Đặc điểm nhận ra nhà thờ từ phía xa là cây thánh giá làm bằng đá trên nóc nhà thờ.
Nét cổ kính của ngôi thánh đường không chỉ thể hiện ở bên ngoài mà còn ở bên trong, với những hoạ tiết được chạm khắc trên cung thánh vô cùng công phu, tỉ mỉ trên khối gỗ sơn son thếp vàng, cùng hệ thống tranh ảnh càng điểm tô sự hoài cổ. Đến đây du khách cũng có thể tham gia các buổi lễ, các hoạt động trong mùa Giáng sinh, khám phá các địa điểm du lịch gần nhà thờ Lớn.
4. Nhà thờ Phú Nhai – Nam Định
Tên đầy đủ của công trình này là Vương cung Thánh đường Đức Mẹ Vô nhiễm nguyên tội – Phú Nhai. Nhà thờ nằm ở làng Phú Nhai, xã Xuân Phương, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Lần đầu khởi công xây dựng là vào năm 1866 do Linh mục Emmanuel Riano Hoà – chánh sứ lúc bấy giờ khởi xướng dựa trên phong cách kiến trúc Gothic phổ biến ở nhiều nhà thờ khác.
Trải qua nhiều năm, nhiều lần xây dựng thêm, sửa chữa, trùng tu, công trình mới được hoàn thiện và có hình dáng như ngày nay vào năm 1993. Khi mới hoàn thành, nhà thờ đã trở thành ngôi thánh đường lớn nhất Đông Dương.
Xây dựng trên khu đất có diện tích 2160 m² bao gồm 2 tháp, mỗi tháp cao 44 m bên trong đặt 4 quả chuông, phần mái nhà thờ cao 40 m, chiều dài đến 30 m và chiều rộng là 30 m. Bên trong nhà thờ là một vẻ đẹp với đầy sự uy nghi, lộng lẫy và hoành tráng. Vừa là nơi hoạt động tín ngưỡng, nhà thờ Phú Nhai vừa là nơi đón chào rất nhiều khách du lịch đến tham quan.
5. Nhà thờ Đá Phát Diệm – Ninh Bình
Là một nhà thờ thuộc Giáo hội Công giáo Rô-ma, nhà thờ có tên chính thức là nhà thờ Chính toà Phát Diệm (gọi tắt là Nhà thờ Phát Diệm), toạ lạc ở thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình.
Là một nhà thờ cổ kính với tuổi đời hơn 100 năm, được khởi công từ năm 1875 trên khuôn viên rộng 22 hec-ta bởi Linh mục Phê-rô Trần Lục – chánh sứ giáo sứ Phát Diệm khi ấy, và đến năm 1898 cơ bản được hoàn thành. Công trình bao gồm nhà thờ lớn và 5 nhà thờ nhỏ, tất cả đều được làm bằng đá và gỗ lim.
>>>>>Xem thêm: Khám phá 11 địa điểm check-in Noel tại Nha Trang siêu xinh cực hot
Nét độc đáo của nhà thờ này là kết hợp lối xây dựng của kiến trúc Công giáo với các công trình đình, chùa truyền thống của Việt Nam, thể hiện ở kiểu dáng mái cong hình mũi thuyền, tạo nên vẻ khác biệt với đa số nhà thờ khác.
Trải qua hơn 1 thế kỉ tồn tại, chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, chiến tranh nhưng đến nay công trình vẫn gần như được giữ gìn nguyên vẹn và được xếp vào Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia (1988).
Trên đây là 5 ngôi nhà thờ cổ nhất Việt Nam, đó vừa là nơi sinh hoạt tôn giáo vừa là điểm tham quan du lịch của nhiều du khách. Cảm ơn mọi người đã quan tâm, hẹn mọi người vào bài viết tiếp theo.
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan: