Du lịch Hà Giang – Nơi cao nguyên đá nở hoa và đậm đà vẻ đẹp văn hóa vùng Tây Bắc

Hà Giang được biết đến là nơi cực Bắc xa xôi của Việt Nam, chất chứa bao nét đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, bình dị của con người và đa dạng của văn hóa, tạo nên một mảnh đất vô cùng hấp dẫn trong mắt du khách Việt Nam và bạn bè quốc tế. Nếu bạn vẫn còn chưa biết nên du lịch như thế nào tại Hà Giang, Kinhnghiem247.edu.vn mời bạn tham khảo những điều thú vị sau đây nhé!

Bạn đang đọc: Du lịch Hà Giang – Nơi cao nguyên đá nở hoa và đậm đà vẻ đẹp văn hóa vùng Tây Bắc

    1. Giới thiệu về Hà Giang

    Hà Giang là một tỉnh miền núi phía Bắc giáp với Trung Quốc, có cột cờ Lũng Cú là điểm cực bắc của nước ta. Hà Giang có địa hình núi cao, phía đông giáp Cao Bằng, phía Tây giáp Lào Cai và Yên Bái, phía nam giáp Tuyên Quang.

    Du lịch Hà Giang – Nơi cao nguyên đá nở hoa và đậm đà vẻ đẹp văn hóa vùng Tây Bắc

    Vùng đất Hà Giang bình yên giữa núi rừng Tây Bắc (Ảnh: Internet).

    Tỉnh hiện có 1 thành phố là thành phố Hà Giang và 10 huyện, với diện tích gần 8.000 km². Địa hình của tỉnh chủ yếu là núi cao trập trùng, có những ngọn núi cao trên 2.000 m, được phủ xanh bởi những khu rừng già, những cao nguyên đá và ruộng bậc thang.

    Hà Giang được bạn bè thế giới biết đến bởi một nơi đã được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu vào tháng 10/2010: Cao nguyên đá Đồng Văn. Trải rộng trên địa phận các huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, cao nguyên này được xem như một “thiên đường xám” với lởm chởm đá tai mèo khắp nơi, làm nên phong cảnh đặc trưng của Đồng Văn mà khó có nơi nào có được.

    Du lịch Hà Giang – Nơi cao nguyên đá nở hoa và đậm đà vẻ đẹp văn hóa vùng Tây Bắc

    Cao nguyên đá Đồng Văn nhìn từ trên cao (Ảnh: Internet).

    Đá xuất hiện với đủ mọi hình thù, từ tai mèo nhọn hoắt đến những chóp đá hình nụ hoa, bông hoa, tháp đá, hay cả những đàn hải cẩu đen bóng ở bãi đá Hải Cẩu Vần Chải,… làm nên sự hùng vĩ, kì lạ cho cao nguyên đá. Xen kẽ giữa những khóm đá xám xịt, vào độ cuối thu, tam giác mạch nở rộ các cánh đồng, xen vào những cao nguyên đá một màu hồng nhẹ nhàng, quyến rũ, làm khung cảnh cao nguyên đá vừa hãi hùng, vừa thơ mộng.

    Du lịch Hà Giang – Nơi cao nguyên đá nở hoa và đậm đà vẻ đẹp văn hóa vùng Tây Bắc

    Hoa tam giác mạch nở rộ trên cao nguyên đá (Ảnh: Internet).

    Cao nguyên đá Đồng Văn không chỉ là di tích từ thời kỳ tiến hóa của vỏ Trái Đất, mà còn là nơi lưu giữ hệ sinh thái phong phú, là môi trường sống cho các loài động thực vật quý hiếm ở nước ta.

    Bên cạnh những nét đẹp thiên nhiên độc đáo, đây còn là nơi sinh sống của 17 dân tộc anh em như H’mông, Dao, Lô Lô, La Chí,… với những nét văn hóa đặc trưng, làm cho vùng cao nguyên trở nên hấp dẫn hơn với du khách, đặc biệt là những du khách yêu thích tìm hiểu văn hóa truyền thống của các dân tộc ít người.

    2. Nên tới Hà Giang vào mùa nào trong năm?

    Mùa lễ hội

    Mùa xuân ở khắp nơi trên đất nước ta đều là lễ tết, Hà Giang cũng như vậy. Mỗi dịp xuân về, đồng bào các dân tộc ở đây lại tổ chức nhiều hoạt động thú vị để đón mừng năm mới, trong đó hấp dẫn nhất là lễ hội Lồng Tồng của người Tày và lễ hội Gầu Tào của người H’Mông.

    Du lịch Hà Giang – Nơi cao nguyên đá nở hoa và đậm đà vẻ đẹp văn hóa vùng Tây Bắc

    Mùa lễ hội của các dân tộc thiểu số ở Hà Giang (Ảnh: Internet).

    Mùa hoa đào, hoa mận

    Cứ vào cuối xuân độ tháng 2 tháng 3, thời tiết Hà Giang lại ấm áp hơn, đó cũng là điều kiện thuận lợi cho những cành hoa đào, hoa mận đua nhau khoe sắc. Khắp nơi trên cao nguyên đá đều rực rỡ màu hồng của hoa đào và màu trắng tinh khiết của hoa mận. Đây chính là cơ hội cho các tín đồ chụp ảnh, Hà Giang với những vách đá tai mèo xám xịt nay đã được điểm tô những cánh hoa vô cùng nên thơ.

    Du lịch Hà Giang – Nơi cao nguyên đá nở hoa và đậm đà vẻ đẹp văn hóa vùng Tây Bắc

    Hoa đào nở rộ ở bản làng (Ảnh: Internet).

    Mùa nước đổ

    Mùa nước đổ chính là khoảng thời gian đồng bào dân tộc tại Hà Giang cho nước đổ vào ruộng để chuẩn bị cấy lúa, thường vào tháng 5 và 6. Đây có lẽ là khoảnh khắc quyến rũ và lung linh nhất của những thửa ruộng. Nước đổ về ngập các bậc thang, hòa quyện vào màu xanh của núi rừng, màu nâu của đất và màu của nền trời tạo cho người yêu nghệ thuật một bức ảnh tuyệt mỹ.

    Mùa lúa chín

    Cứ vào tháng 9 tháng 10 hằng năm, không chỉ Hà Giang mà nhiều tỉnh khác có ruộng bậc thang đều thu hút khách du lịch cũng như những nhiếp ảnh gia hàng đầu tìm đến, bởi đây là mùa lúa chín vàng rộm cả núi đồi. Cùng với mùi thơm của lúa chín, lễ hội sau khi thu hoạch của người dân, khoảnh khắc bình dị ấy chính là nét đẹp không bao giờ hòa lẫn mà con người vùng cao đã tạo ra.

    Du lịch Hà Giang – Nơi cao nguyên đá nở hoa và đậm đà vẻ đẹp văn hóa vùng Tây Bắc

    Mùa lúa chín ở Hà Giang (Ảnh: Internet).

    Mùa tam giác mạch

    Nhắc về cao nguyên đá Đồng Văn, ai cũng không quên được loài hoa tam giác mạch, loại hoa mãnh liệt dù bé nhỏ nhưng vẫn vươn mình khoe sắc bên những khóm đá đầy gai góc. Tam giác mạch thường nở rộ vào đầu mùa đông, khoảng tháng 10 dương lịch. Đây cũng chính là mùa thu hút nhiều khách du lịch đến đây check in, khám phá những bản làng và cung đường phủ đầy tam giác mạch và thưởng thức món bánh tam giác mạch nướng trứ danh.

    Du lịch Hà Giang – Nơi cao nguyên đá nở hoa và đậm đà vẻ đẹp văn hóa vùng Tây Bắc

    cánh đồng hoa tam giác mạch lúc hoàng hôn

    Mùa hoa cải

    Mùa hoa cải vàng ở Hà Giang thường nở rộ khi trời vào đông, ngày nay còn được trồng vào tháng 3, những khóm hoa vàng ươm lung linh trong nắng, nằm gọn trong gùi của những em bé ở dốc Thẩm Mã, tuy là loài hoa cải bình thường nhưng lại tạo cho du khách nhiều cảm xúc bình yên đến lạ thường. Những bông hoa cải bé nhỏ với sức sống mãnh liệt trong mùa đông giá lạnh đã tượng trưng cho nét đẹp lao động của con người vùng cao Hà Giang.

    Du lịch Hà Giang – Nơi cao nguyên đá nở hoa và đậm đà vẻ đẹp văn hóa vùng Tây Bắc

    mùa hoa cải vàng rực rỡ

    3. Tuyến tham quan Hà Giang:

    3.1. Cung đường đi Hoàng Su Phì:

    Huyện Hoàng Su Phì – thiên đường ruộng bậc thang, là nơi có những ruộng bậc thang đẹp của miền núi tây bắc, như ruộng bậc thang bản Phùng, bản Luốc. Ruộng bậc thang có 3 mùa để tham quan, mùa nước đổ vào tháng 8,9, mùa lúa xanh và mùa lúa chín. Ngoài ra, Hoàng Su Phì có dải núi tây Côn Lĩnh hùng vĩ, những đồi chè shan tuyết khổng lồ, cho ra loại chè hảo hạng.

    Bản Phùng

    Đây là nơi có những thửa ruộng bậc thang thơ mộng nhất núi rừng Hoàng Su Phì, là nơi sinh sống chủ yếu của người La Chí, vs tập quán trồng lúa trên sườn dốc, tạo nên 1 cảnh đẹp kì vĩ cho bản làng nơi đây, ko bị nhầm lẫn vs những ruộng bậc thang khác. Cũng chính hình thức trồng lúa đặc biệt này đã làm tiền đề tạo ra sự đa dạng trong văn hóa nông nghiệp của các dân tộc thiểu số nơi đây.

    Các đồng bào dân tộc ở huyện Hoàng Su Phì đều sở hữu nét đặc trưng văn hóa riêng vẫn được duy trì tới ngày nay như người La Chí có Tết Khu cù tê; người Tày có Lễ hội Lồng Tồng; dân tộc Dao có Lễ hội Nhảy lửa, Cầu mùa; hay dân tộc Nùng có Lễ cúng cơm mới… Đến nay, ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì đã được công nhận là di sản quốc gia và được bảo tồn rất tốt.

    Du lịch Hà Giang – Nơi cao nguyên đá nở hoa và đậm đà vẻ đẹp văn hóa vùng Tây Bắc

    ruộng bậc thang ở bản Phùng

    Núi Tây Côn Lĩnh

    Tây Côn Lĩnh là một ngọn núi hùng vĩ của Hà Giang, với độ cao 2400m so với mực nước biển, nó còn được xem như nóc nhà của vùng Đông Bắc. Đây là một ngọn núi đầy sự hấp dẫn, đặc biệt là đối với những bạn yêu thích leo núi, trekking. Tây Côn Lĩnh trải dài từ Hoàng Su Phì đến Vị Xuyên, cảnh vật xung quanh là rừng xanh bát ngát, ẩn hiện đâu đó là cuộc sống của đồng bào người La Chí bên những thửa ruộng bậc thang.

    Trên đường chinh phục ngọn núi, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những vườn chè shan tuyết cổ thụ, một loại chè đặc sản của vùng cao nguyên đá. Cây chè là loại cây cổ thù với cành lá sum sê, người dân phải leo lên cây mới có thể hái được lá chè, ngày nay chè san tuyết được bán ở khắp nơi trên nước ta, đó là một thức quà quý giá của nơi địa đầu tổ quốc.

    Bên cạnh chè, trên đường chinh phục Tây Côn Lĩnh, không khó để chúng ta chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của những thửa ruộng bậc thang, một thành tựu vĩ đại của đồng bào dân tộc. Nơi đây còn sở hửu khu rừng nguyên sinh xanh mướt, bảo tồn sự đa dạng sinh học cho Hà Giang. Nhất định một trải nghiệm trekking Tây Côn Lĩnh sẽ cho chúng ta nhiều kí ức đẹp đẽ về vùng đất Hà Giang.

    Du lịch Hà Giang – Nơi cao nguyên đá nở hoa và đậm đà vẻ đẹp văn hóa vùng Tây Bắc

    thu hoạch chè Shan Tuyết cổ thụ

    Làng Khuổi My

    Nằm bên sườn ngọn núi Tây Côn Lĩnh hùng vĩ chính là bản làng đầy rêu phong và sương mờ – Khuổi My, một ngôi làng của người Dao sinh sống. Tại đây có khoảng hơn 50 hộ dân sinh sống trên những ngôi nhà sàn cổ kính, rêu mọc xanh cả mái nhà bằng lá cọ, tạo cho ngôi làng một cảm giác thanh mát và hoang sơ. Người dân nơi đây cũng tận dụng sườn núi làm ruộng bậc thang, vì thế trên đường chinh phục Tây Côn Lĩnh, chúng ta cũng dễ dàng nhìn ngắm tuyệt tác này của người dân Khuổi My. Vào mùa nước đổ hay lúa chính, Khuổi My đều mang một nét đẹp riêng, không thua kém gì Bản Phùng hay Mù Cang Chải. Đến đây, ngoài trải nghiệm vẻ đẹp của thiên nhiên, chúng ta còn có thể tìm hiểu sâu sắc hơn về văn hóa của người Dao và những ngôi nhà sàn cổ kính của họ. Bên cạnh Khuổi My là bản làng Nà Thác và Lùng Vài, cùng với Khuổi My đã tạo nên một thiên đường ruộng bậc thang rộng hơn 90 ha, ngày nay thu hút được nhiều nhiếp ảnh gia và khách du lịch đến chiêm ngưỡng.

    Du lịch Hà Giang – Nơi cao nguyên đá nở hoa và đậm đà vẻ đẹp văn hóa vùng Tây Bắc

    ruộng bậc thang tại Khuổi My, Nà Thác và Lùng Vài
    Du lịch Hà Giang – Nơi cao nguyên đá nở hoa và đậm đà vẻ đẹp văn hóa vùng Tây Bắc
    căn nhà phủ rêu phong ở Khuổi My

    3.2. Cung đường đi Quản Bạ

    Đi theo Quốc Lộ 4C đến huyện Quản Bạ, điểm đầu tiên chào đón du khách chính là Dốc Bắc Sum, đây là một con dốc ngoằn ngoèo đưa du khách đến với huyện Quản Bạ, Hà Giang, cảnh vật xung quanh xanh ươm, phủ đầy hoa lá và những vách núi đá của vùng cao nguyên đá giá lạnh, càng lên cao, nhìn xuống con dốc uốn lượn xinh đẹp như một dải lụa trắng giữa núi rừng. Đây cũng là con đường tiếp tế lương thực vũ khí trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

    Du lịch Hà Giang – Nơi cao nguyên đá nở hoa và đậm đà vẻ đẹp văn hóa vùng Tây Bắc

    núi đôi cô tiên nhìn từ cổng trời Quản Bạ

    Qua khỏi dốc Bắc Sum về hướng bắc tầm 15km là Cổng trời Quản Bạ, đây là một địa điểm check in không thể bỏ qua của hầu như mọi du khách khi đến với HG. Cổng trời nằm trên con đường hạnh phúc 4C, đứng từ đây, du khách có thể ngắm nhìn những bản làng xa xa, cùng với núi đôi Cô Tiên nhấp nhô trong biển mây, vừa thanh khiết, vừa rất gợi cảm.

    Ngoài ra, đến với Quản Bạ, quý khách ko thể nào bỏ lỡ món phở Tráng Kìm trứ danh tại chợ phiên Tráng Kìm, họp vào thứ 5 mỗi tuần nhé. Phở ở đây có hương vị đặc biệt, và dùng thịt gà để ăn thay vì bò như ở miền xuôi.

    3.3. Cung đường đi Yên Minh

    Đi tiếp trên quốc lộ 4C ta có thể sang huyện Yên Minh, nơi có những rừng thông bạt ngàn, mệnh danh là Đà Lạt thu nhỏ tại Hà Giang. Những con dốc, khúc cua uốn lượn, 2 bên đường là những rừng thông tít tắp chắc chắn sẽ cho chúng ta một trải nghiệm không bao giờ quên được. Bên cạnh rừng thông, nếu chúng ta rẽ phải sẽ đến được bản Du Già, một bản làng đầy mộng mị của yên Minh.

    Bản Du Già

    Đường đến với Du Già có vẻ đẹp thơ mộng, có những mùa khác nhau mà cảnh sắc cũng thay đổi khác nhau như mùa hoa gạo, hoa anh đào, mùa lanh,…Du Già nổi tiếng với vẻ đẹp yên bình hoang sơ, thiên nhiên hùng vỹ với cảnh quan sông núi mây đèo khién bất cứ ai có dịp đặt chân đến chiêm ngưỡng đều phải trầm trồ như lạc vào chốn bồng lai tiên cảnh. Và đặc biệt những người dân nơi đây cũng như vẻ đẹp của nó cực kỳ mến khách và thân thiện. Đây thực sự là nơi du khách nên trải nghiệm để sống chậm lại 1 chút, thư giãn ở những căn homestay giữa ko gian xanh bao la và hòa mình vào dòng suối Du Già mát lạnh.

    Du lịch Hà Giang – Nơi cao nguyên đá nở hoa và đậm đà vẻ đẹp văn hóa vùng Tây Bắc

    thác và suối ở Du Già

    Du lịch Hà Giang – Nơi cao nguyên đá nở hoa và đậm đà vẻ đẹp văn hóa vùng Tây BắcTừ Du Già, có những con đường cho du khách thích đi trải nghiệm như đi Du Già – Mậu Duệ, đây được xem là một cung đường phượt ngoạn mục và khó khăn nhất ở Hà Giang.

    3.4. Cung đường từ Quản Bạ, Yên Minh đi Đồng Văn

    Dốc Thẩm Mã

    Trên đường từ Yên Minh về Đồng Văn là một cung đường vô cùng ngoạn mục, nổi bật nhất và được nhiều người thích check in nhất chính là Dốc Thấm Mã, một con đèo uốn lượn như tấm lụa trắng ngần giữ núi rừng Hà Giang. Cái tên dốc Thẩm Mã được hiểu là sức của con ngựa, vì người dân vùng cao chỉ dùng ngựa để thồ hàng nên vượt qua con dốc chính là những con ngựa khỏe, tốt, nếu không thì sẽ bị mang đi làm thắng cố. Cũng từ đó mà chúng ta thấy được độ khó của con dốc này, ngoằn ngoèo uốn lượn, tuy vậy, nó vẫn mang một vẻ đẹp mê hồn mà bao người đến Hà Giang đều không thể bỏ qua. Ngày nay, đến với dốc Thẩm Mã, bạn còn có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện với những em bé vùng cao đáng yêu và thân thiện.

    Du lịch Hà Giang – Nơi cao nguyên đá nở hoa và đậm đà vẻ đẹp văn hóa vùng Tây Bắc

    dốc Thẩm Mã uốn lượn, rực rỡ bên những gùi hoa cải vàng

    Phố Cáo

    Điểm đến đầu tiên khi đến huyện Đồng Văn chính là Phố Cáo, nghe có vẻ nhộn nhịp nhưng thực chất là những bản làng nghèo có vẻ đẹp vô cùng bình dị. Đến Phố Cáo, chúng ta sẽ có cơ hội tham gia chợ phiên Phố Cáo mỗi sớm thứ 7, ngắm nhìn những thung lũng tam giác mạch khoe sắc giữa cao nguyên đá, những ngôi nhà trình tường và nét đẹp mộc mạc của con người nơi đây. Đến với Hà Giang là để chúng ta sống chậm lại, hòa vào đời sống, đất trời, chứ không phải là một cuộc dạo chơi chóng vánh. Bạn có thể tham khảo video này để cảm nhận rõ nét nhất về chợ phiên Phố Cáo nhé.

    Nối giữa Phố Cáo và thung lũng Sủng Là, điểm dừng chân tiếp theo chính là dốc Chín Khoanh, một con dốc hùng vĩ, ngoằn nghoèo nhưng ko kém phần đẹp mắt.

    Tìm hiểu thêm: Chuyến du ngoạn đến thành phố Lucerne – “trái tim” của Thụy Sỹ

    Du lịch Hà Giang – Nơi cao nguyên đá nở hoa và đậm đà vẻ đẹp văn hóa vùng Tây Bắc
    dốc Chín Khoanh

    Sủng Là

    Nếu ai đã từng xem phim Chuyện của Pao thì thung lũng Sủng Là đã ko còn lạ lẫm. Đây là một thung lũng nằm lọt thỏm giữa cao nguyên đá, với những rừng hoa cải, tam giác mạch nở rộ bên cạnh những rừng cây sa mộc xanh ngắt. Những ngôi nhà của đồng bào dân tộc ẩn hiện bên bờ rào đá, tạo cho Sủng Là hiện lên đẹp như tranh. Chính vì vẻ đẹp nơi đây mà làng văn hóa Lũng Cẩm đã được nhà nước khuyến khích phát triển du lịch cộng đồng như trồng tam giác mạch, tiếp đón khách du lịch,…Đây được xem là ngôi làng đẹp nhất của người Mông trắng, bên cạnh đó còn có người Lô Lô, người Hán. Đến với ngôi làng, bạn không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những ngọn núi đá, những mái nhà bình dị, mà còn được giao lưu văn hóa với người dân, cũng như thưởng thức những điệu nhạc du dương nơi núi rừng và những chiếc áo thổ cẩm được người phụ nữ nơi đây thêu dệt. Đây chính là mô hình du lịch cộng đồng đặc sắc tại cao nguyên đá Đồng Văn.

    Du lịch Hà Giang – Nơi cao nguyên đá nở hoa và đậm đà vẻ đẹp văn hóa vùng Tây Bắc

    nhà của Pao bên hàng rào đá

    Nhà của Pao là 1 ngôi nhà từng tham gia vào quay phim, ngày nay được nhiều người biết đến. Bên bờ rào đá là những cành đào khoe sắc, cuộc sống của người dân lặng lẽ và bình yên, bên trong là ngôi nhà trình tường dạng chữ U, màu vàng trầm, khiến du khách đến đây ai cũng ngỡ ngàng.

    Phố Là và Phó Bảng – nơi có hoa tam giác mạch đẹp

    Trên con đường đi Sủng Là, phía tay trái sẽ có hướng đi Phó Bảng, nơi được xem là thủ phủ cũ của Đồng Văn, có nhiều người Hoa và Mông đang sinh sống. Nơi đây vẫn còn những nét hoang sơ của bản làng vùng cao, với những ngôi nhà trình tường cùng với những ruộng hoa tam giác mạch say đắm lòng người. Đặc biệt, cứ cách 6 ngày, Phó Bảng sẽ có 1 phiên chợ lùi, du khách may mắn sẽ được trải nghiệm chợ lùi vùng cao. Từ Phó Bảng đi sâu vào thêm tầm 10 cây số chính là Phố Là – bản làng của những người Pu Péo đang sinh sống, đây là một nơi vô cùng hoang sơ nên chắc chắn sẽ làm hài lòng những ai yêu thiên nhiên mộc mạc và những con người chân chất nơi đây, đây cũng là nơi có những ruộng hoa tam giác mạch hoang sơ và rực rỡ nhất. Dinh thự nhà họ Cụ, một ngôi dinh thự trình tường lớn có tuổi đời hơn 100 năm, đến nay chỉ còn là dấu tích.

    Du lịch Hà Giang – Nơi cao nguyên đá nở hoa và đậm đà vẻ đẹp văn hóa vùng Tây Bắc

    Phó Bảng yên bình mùa hoa đào nở

    Dinh thự vua Mèo

    Dinh thự vua Mèo hay còn gọi là dinh thự họ Vương, là một công trình kiến trúc huyền thoại nơi cao nguyên đá, ngày xưa chính là nhà riêng của vua Mèo, ông Vương Đức Chính – một người chuyên bán thuốc phiện lớn của vùng.

    Du lịch Hà Giang – Nơi cao nguyên đá nở hoa và đậm đà vẻ đẹp văn hóa vùng Tây Bắc

    Dinh thự vua Mèo từ trên cao

    Dinh thự tọa lạc tại thung lũng Sả Phìn, huyện Đồng Văn, bao phủ quanh nhà là những rừng cây sa mộc xanh ngát, một loại cây thân thuộc với đời sống của người Mông. Căn nhà được ông Vương cho xây dựng đầu thế kỉ 20, đến nay kiến trúc và tình trạng chung của ngôi nhà vẫn còn nguyên vẹn. Trái với suy nghĩ của nhiều người, công trình này không hề hoành tráng xa hoa mà thậm chí còn mang nét bình dị bắt nguồn từ kiến trúc dân gian.

    Dinh thự này cũng là một trong số rất ít những tòa nhà ở nước ta có thể sử dụng vào nhiều mục đích: nhà ở, nơi làm việc hoặc pháo đài phòng thủ khi có chiến tranh. Với lối kiến trúc độc đáo giữa gỗ và trình tường của người dân tộc Mông, đặc biệt là gỗ quý và những nét chạm trổ mang đậm bản sắc dân tộc, nhà còn có những lô cốt để phục vụ chiến đấu.

    Phố cổ Đồng Văn

    Rời Dinh thự vua Mèo tầm 15km, chúng ta đến được phố cổ Đồng Văn, nơi thời gian dường như ngưng đọng lại, để chúng ta chí có thể hòa mình vào những ngôi nhà cổ trầm mặt bên vách núi, giao lưu với những con người HG và biết thêm về nền văn hóa lâu đời từ đó. Khi đặt chân đến con phố này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một lối kiến trúc vô cùng hoài cổ với những dãy nhà trình tường xây làm 2 tầng đầy cổ kính.

    Phía trên là mái ngói âm dương – một kiểu kiến trúc tiêu biểu trong những nếp nhà của người dân tộc vùng núi phía Bắc nước ta. Có những nhà còn được trang trí bằng đèn lồng đỏ treo trước cửa để tạo vẻ hoài cổ và lãng mạn, cho ta cảm giác như một Hội An ở lưng chừng núi. Nếu đã có dịp đến phố cổ, đừng quên thưởng thức chút cafe bên ngôi nhà cổ và dạo quanh chợ phiên Đồng Văn – 1 ngôi chợ lâu đời của tỉnh. Đặc biệt, nếu đến vào 14,15,16 âm lịch, quý khách sẽ được tham gia đêm phố cổ với văn nghệ và những quầy hàng dân gian của đồng bào dân tộc nơi đây.

    Cột cờ Lũng Cú

    Cột cờ Lũng Cú nằm cách cực Bắc của nước ta tầm 2km, tuy nhiên nó luôn được xem là biểu tượng đỉnh đầu của tổ quốc, nằm ở núi Rồng với độ cao 1430m so với mặt nước biển, đa số du khách đến HG đều không thể bỏ qua địa điểm này. Cột cờ được dựng lần đầu tiên dưới thời nhà Lý bằng cây Sa Mộc, sau này đến thời Pháp thuộc được trùng tu dần, và đến ngày 12/8/1987, lá cờ đỏ sao vàng rộng 54m2 đã được treo lên cột cờ, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em, đến nay, nó vẫn còn giữ nguyên kích thước với niềm tự hào dân tộc.

    Mãi đến năm 2010, cột cờ đã được trùng tu hoàn chỉnh như ngày hôm nay, với những hoa văn được khắc trên 8 bức phù điêu và 8 mặt trống đồng ở chân cột. Cột cờ Lũng Cú có chiều cao 33,15m, lên đài quan sát ở đỉnh cột cờ, ta có thể thu vào tầm mắt vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên Tây Bắc, những bản làng của người Mông, Lô Lô cũng như ao nước mắt rồng, dòng nước thiêng cung cấp nước quanh năm cho người dân tại đó.

    Du lịch Hà Giang – Nơi cao nguyên đá nở hoa và đậm đà vẻ đẹp văn hóa vùng Tây Bắc

    cột cờ Lũng Cú

    Một trải nghiệm không thể bỏ qua khi đến cột cờ Lũng Cú chính là đi thăm bản Lô Lô chải, ngay bên dưới cột cờ Lung Cú, nơi có những ngôi nhà bên bờ rào đá, nhâm nhi chút cafe tại quán cafe Cực Bắc, trải nghiệm nhịp sống trầm lặng của người dân Lô Lô, chắc chắn sẽ là một trải nghiệm không thể quên của mọi du khách.

    Du lịch Hà Giang – Nơi cao nguyên đá nở hoa và đậm đà vẻ đẹp văn hóa vùng Tây Bắc

    quán cà phê cực bắc

    Ngoài quán cafe, Lô Lô chải ngày nay còn được đưa vào khai thác du lịch cộng đồng với những homestay trình tường xinh xắn, do đại sứ quán các nước Luxembourg và Ireland tài trợ. Đến homestay là một khoảng thời gian thư giãn, hòa mình vào nhịp sống của người Lô Lô và ăn những món truyền thống như gà đen, thịt gác bếp và nhâm nhi cốc rượu ngô cay nồng, cảm giác thật ấm áp và hạnh phúc.

    Du lịch Hà Giang – Nơi cao nguyên đá nở hoa và đậm đà vẻ đẹp văn hóa vùng Tây Bắc

    bản làng thơ mộng của người Lô Lô

    3.5. Cung đường Đồng Văn đi Mèo Vạc

    Đèo Mã Pì Lèng

    Từ phố cổ Đồng Văn đi về phía Mèo Vạc chính là con đèo Mã Pí Lèng, một trong tứ đại đỉnh đèo của nước ta, cái tên Mã Pí Lèng có nghĩa là sống mũi con ngựa. Đây được xem là con đèo ngoạn mục những cũng hiểm trở bậc nhất miền Tây Bắc, khiến nhiều người đặt biệt danh “Vạn Lý Trường Thành của Việt Nam”, hay “Kim tự tháp của người Mèo”.

    Đèo Mã Pì Lèng vắt ngang qua một ngọn núi cao của vùng cao nguyên đá Đồng Văn, địa hình hiểm trở dài khoảng 20km, gắn liền với tuyến đường nối giữa thị trấn Đồng Văn với Mèo Vạc được đặt tên là con đường Hạnh Phúc. Ngọn đèo này thu hút sự chú ý đặc biệt của du khách, đứng trên đỉnh đèo nhìn xuống là toàn cảnh dòng sông Nho Quế xanh ngắt chảy qua hẻm vực Tu Sản sâu hun hút, tạo nên một khung cảnh vừa thơ mộng nhưng cũng không kém phần kì vĩ.

    Sông Nho Quế là con sông biển giới, bắt nguồn từ Vân Nam, Trung Quốc, chạy dọc theo huyện biển giới của Hà Giang, với một màu xanh ngọc biêng biếc, như một dải lụa ôm lấy núi rừng Tây Bắc. Đoạn đi qua hẻm vực Tu Sản có khung cảnh đẹp vì 2 bên bờ sông là dốc núi cheo leo, hẻm Tu Sản cao đến 700 – 800m. Du khách đến với Hà Giang không nên bỏ qua địa điểm này, vì đây là một nơi chụp ảnh, ngắm cảnh và trải nghiệm vô cùng độc đáo.

    Chợ tình Khâu Vai

    Qua khỏi con đèo Mã Pì Lèng chính là địa phận huyện Mèo Vạc, nơi có Chợ tình nổi tiếng của người dân vùng cao có tuổi đời hơn 100 năm. Mỗi năm, chợ sẽ họp vào đúng ngày 27/3 âm lịch để những đôi trai gái yêu nhau không thành, hoặc các bạn trẻ đến đây tìm người yêu. Chợ còn có tên là chợ phong lưu, nơi mọi lứa tuổi, giới tính đều được đến giao lưu, bè bạn. Ngày nay chợ đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể và được bảo tồn. Tại buổi lễ khai mạc Chợ tình Khau Vai, du khách sẽ được thưởng thức những làn điệu dân ca, phong tục hát đối của các chàng trai cô gái từ nhiều dân tộc khác nhau cùng giao lưu, thưởng thức tiếng sáo tỏ tình của các chàng trai người Dao, lắng nghe tiếng khèn trầm bổng gọi bạn của các chàng trai người Mông.

    Khách tham quan cũng sẽ được chiêm ngưỡng các thiếu nữ vùng cao xinh xắn diện những bộ váy áo sặc sỡ sắc màu dệt bằng thổ cẩm. Đặc biệt, du khách còn có cơ hội nhâm nhi rượu ngô vùng cao nổi tiếng với men say khó cưỡng bên cạnh các món ăn với hương vị đặc trưng của đồng bào dân tộc. Ngày nay, chợ tình sẽ diễn ra lâu hơn, tuy nhiên phiên chợ chính vẫn là ngày 27/3 nhằm gìn giữ truyền thống tốt đẹp ở Khâu Vai.

    Hố sụt Mèo Vạc

    Địa điểm du lịch mạo hiểm này chỉ vừa được phát hiện trong thời gian gần đây, tuy nhiên nó đã thu hút được nhiều tín đồ du lịch đến đây để chụp ảnh và khám phá. Hố sụt Mèo Vạc còn có tên là hố tử thần, giếng trời Hà Giang, hố sụt Giàng Chu Phìn,…chỉ nằm cách thị trấn Mèo Vạc tầm 2km. Hố sụt ẩn mình ngay trên một ngọn đồi, tuy có khung cảnh hấp dẫn nhưng đây lại là một điểm kén khách du lịch, vì chưa được khải thác chính thức nên thám hiểm tại đây bạn luôn cần phải đảm bảo an toàn lên hàng đầu. Dù khó khăn là vậy nhưng những người chinh phục được hố sụt chắc hẳn sẽ mang về một niềm tự hào cũng như trải nghiệm tuyệt vời tại cao nguyên đá.

    Du lịch Hà Giang – Nơi cao nguyên đá nở hoa và đậm đà vẻ đẹp văn hóa vùng Tây Bắc

    hố sụt Mèo Vạc nhìn từ trên và bên trong

    Làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông ở thôn Pả Vi Hạ, Mèo Vạc

    Trong thời gian gần đây, tại thôn Pả Vi Hạ, Mèo Vạc hình thành nên làng văn hóa dân tộc H’Mông, với lợi thế là nơi sinh sống hoàn toàn của người Mông. Làng văn hóa tọa lạc tại cao nguyên đá hiểm trở, nhưng sở hữu những giá trị văn hóa đặc sắc của người Mông như lễ hội Gầu Tào, thổi khèn, vỗ mông,…đây chính là những điểm mạnh để thôn Pả Vi Hạ trở nên làng văn hóa đặc sắc như hôm nay. Đến với làng văn hóa du lịch cộng đồng dân tộc Mông, du khách không chỉ được chiêm ngưỡng những ngôi nhà sàn tựa lưng vào vách núi, mà còn được giao lưu văn hóa và thưởng thức những món ăn đậm chất người H’Mông. Nơi đây không chỉ là nơi tham quan giải trí, mà còn là mô hình homestay xinh xắn và tiện nghi, tạo cơ hội cho khách du lịch hiểu hơn về cuộc sống của đồng bào nơi đây.

    4. Ẩm thực Hà Giang

    4.1. Chợ phiên

    Người ta nói, để hiểu rõ về văn hóa của một vùng, bạn nên đến chợ đầu tiên, và quả thật đến với cao nguyên đá, chúng ta không thể bỏ qua chợ phiên. Chợ phiên là một nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của người dân tộc vùng cao, các chợ phiên thường được diễn ra vào mỗi cuối tuần, hoặc 6 ngày 1 lần tùy theo tập quán của người dân trong vùng. Đây là nơi diễn ra các hoạt động mua bán nhộn nhịp giữa người dân, họ thường trao đổi rau củ quả, các loại thảo dược, con vật nuôi hoặc những món ăn truyền thống của vùng cao nguyên đá, như thắng cố, xôi ngũ sắc ( loại xôi 5 màu tượng trưng cho kim mộc thủy hỏa thổ), bánh tam giác mạch,…Sau đây là một số chợ bạn có thể tham khảo:

    Nổi tiếng và đặc biệt nhất có lẽ là chợ phiên Phố Cáo, còn gọi là chợ lùi vì mỗi tuần ko cố định ngày, cứ cách 6 ngày ngta lại họp 1 phiên chợ, vào ngày thìn và tuất. Chợ họp từ sáng sớm đến trưa trong tiếng nói cười giòn giã của người dân Phố Cáo và cả khách du lịch. Chợ bán đầy đủ mọi thứ đặc sản đến từ vùng cao nguyên đá, nếu có dịp đến Phố Cáo, may mắn bạn sẽ được trải nghiệm loại hình chợ này nhé. Đa phần các chợ phiên tại Đồng Văn đều họp theo ngày âm chứ không đều đặn một ngày cụ thể.

    Tại phố cổ Đồng Văn, bạn có thể tham gia chợ phiên lớn nhất vùng cao nguyên đá, họp mỗi ngày chủ nhật tại khu chợ làm bằng đá, với quy mô lớn và hàng hóa vô cùng đa dạng. Nếu có cơ hội thăm phố cổ vào cuối tuần, bạn đừng bỏ qua chợ phiên nhé. Vì nơi đây luôn bày bán những gì đặc trưng nhất của người Đồng Văn.

    Tại Mèo Vạc có đến 2 phiên chợ, một là Chợ tình – nơi những đôi trai gái đến đây hò hẹn mỗi dịp cuối tháng 3, và chợ phiên Mèo Vạc mỗi sáng chủ nhật. Chợ phiên nơi đây rất rộng, bày bán đủ mọi loại hàng hóa, từ thức ăn đến quần áo, nhu yếu phẩm, đây chính là nơi tuyệt vời để bạn có thể nhìn ngắm những sắc màu đến từ nhiều dân tộc, cũng như thưởng thức những món đặc sản từ họ.

    Chợ phiên Quyết Tiến diễn ra ngay tại dốc Bắc Sum, thuộc huyện Quản Bạ, họp vào sáng thứ 7 hằng tuần, là nơi giao lưu mua bán của rất nhiều đồng bào dân tộc tại Hà Giang.

    Chợ Tráng Kìm họp vào ngày mùi và ngày sửu, thuộc huyện Quản Bạ, nơi đây nổi tiếng với món phở Tráng Kìm với bánh phở được làm từ chính đôi tay của những người phụ nữ khéo léo nơi đây, sau một thời gian thì dần nó đã trở nên một món ăn mà ai đến Hà Giang cũng nên nếm thử.

    Chợ Du Già họp vào t6 hàng tuần, đây là ngôi chợ còn giữ được nét mộc mạc nhất của các dân tộc, thường có cả văn nghệ kèm theo trong những buổi họp chợ.

    4.2. Những món ăn đặc sản tại Hà Giang

    Mèn mén: đây là một món ăn truyền thống của người H’Mông, một món ăn đặc biệt làm từ ngô xay nhuyễn, trộn bột ngô với nước và đồ lên 2 lần, đánh tơi bột để mèn mén được ngon hơn. Đây được xem là món tinh bột chủ yếu của người H’mong ngày xưa, thường ăn cùng với tổ chua, nhưng đến nay thì đã có nhiều thay đổi, họ bắt đầu dùng cơm, tuy nhiên, đây vẫn là món ăn mang hồn cốt của dân tộc họ.

    Du lịch Hà Giang – Nơi cao nguyên đá nở hoa và đậm đà vẻ đẹp văn hóa vùng Tây Bắc

    mèn mén ăn kèm với tổ chua

    Món rêu nướng Hà Giang của dân tộc Tày ở huyện Quang Bình, rêu dưới suối được chế biến thành nhiều món như canh, nộm, tuy nhiên độc đáo nhất là rêu nướng. Rêu được xé ra, ướp gia vị rồi gói vào lá mang đi nướng, mang 1 hương vị vô cùng độc đáo.

    Du lịch Hà Giang – Nơi cao nguyên đá nở hoa và đậm đà vẻ đẹp văn hóa vùng Tây Bắc

    món rêu đá nướng

    Rượu ngô, nấu từ ngô được trồng tại cao nguyên đá, là một thức uống không thể thiếu, bởi tiết trời lạnh giá, nhấp 1 ngụm rượu ngô và giao lưu với mọi người chính là một trải nghiệm tuyệt vời.

    Thắng cố – món ăn mà khi nhắc đến dân tộc H’mong, không ai có thể quên được, món này bắt nguồn từ vùng Bắc Hà, Lào Cai của người H’mong. Món ăn được chế biến hết sức đơn giản, với thịt và lòng ngựa ướp sơ qua gia vị và nấu thành súp để ăn. Tại chợ phiên, đây là món ăn được nhiều người ưa thích, đặc biệt gây tò mò với nhiều du khách phương xa.

    Du lịch Hà Giang – Nơi cao nguyên đá nở hoa và đậm đà vẻ đẹp văn hóa vùng Tây Bắc

    chảo thắng cố được bán ở chợ phiên

    Cháo ấu tẩu: Đây là một món cháo nấu với củ ấu tẩu, một loại củ rừng rất độc, vì thế để làm nên nồi cháo ngon, người nấu luôn phải nấu củ trong thời gian dài để món ăn này thải hết được chất độc, sau đó sẽ kết hợp với cháo. Món cháo ấu tẩu cũng có thể ăn kèm với mèn mén, thịt băm và các loại rau mùi, tạo nên một tô cháo hấp dẫn khó chối từ.

    Du lịch Hà Giang – Nơi cao nguyên đá nở hoa và đậm đà vẻ đẹp văn hóa vùng Tây Bắc

    cháo ấu tẩu

    Bánh tam giác mạch: nhắc đến Hà Giang chắc chắn ai cũng nhớ đến những bông hoa tam giác mạch kiên cường và xinh đẹp, và chính từ những loài hoa ấy cũng tạo nên một loại bánh hết sức đặc biệt – bánh tam giác mạch, một thức quà cho bạn bè vô cùng tiện lợi của vùng cao nguyên đá. Hạt tam giác mạch khi khô sẽ được người dân phơi và xay nhuyễn để làm bột và tạo nên những chiếc bánh tam giác mạch nướng thơm ngon, nếu có dịp đến chợ phiên sau mùa tam giác mạch, các bạn nhớ đừng bỏ qua món ngon này nhé.

    Du lịch Hà Giang – Nơi cao nguyên đá nở hoa và đậm đà vẻ đẹp văn hóa vùng Tây Bắc

    bánh tam giác mạch nướng

    Thịt trâu gác bếp: trâu hay lợn gác bếp luôn là món ăn được nhiều người biết đến ở vùng cao Tây và Đông Bắc, đây là cách bảo quản thịt hiệu quả của người vùng cao, khi không có tủ lạnh. Thịt trâu sau khi làm sạch sẽ được tẩm ướp gia vị vừa ăn rồi treo lên bếp hun khói, sau khi thịt khô lại có thể ăn như khô hoặc chế biến lại tùy thích. Thịt gác bếp, đặc biệt là trâu gác bếp, luôn là món ăn khoái khẩu của nhiều du khách khi đến vùng cao nguyên đá.

    Du lịch Hà Giang – Nơi cao nguyên đá nở hoa và đậm đà vẻ đẹp văn hóa vùng Tây Bắc

    thịt trâu gác bếp hun khói
    Du lịch Hà Giang – Nơi cao nguyên đá nở hoa và đậm đà vẻ đẹp văn hóa vùng Tây Bắc
    đĩa thịt trâu gác bếp

    Thịt chuột La Chí: người La Chí được biết đến là một dân tộc luôn gắn bó với những cánh đồng, thửa ruộng bậc thang, vì thế món chuột đồng chính là một món ăn khoái khẩu và thường xuyên của người La Chí. Thịt chuột có thể chế biến nhiều món khác nhau, nhưng hấp dẫn hơn cả chính là chuột nướng, thơm mùi gia vị và đượm vị ngọt ngon của thịt chuột, nếu có cơ hội đến bản Phùng, đây chắc hẳn là món mà người La Chí sẽ tiếp đãi bạn.

    Du lịch Hà Giang – Nơi cao nguyên đá nở hoa và đậm đà vẻ đẹp văn hóa vùng Tây Bắc

    >>>>>Xem thêm: Hotel De La Coupole – Khách sạn 5 sao quốc tế cổ điển tại Sapa mà bạn không nên bỏ lỡ

    thịt chuột nướng của đồng bào người La Chí tại Hoàng Su Phì

    Ngoài những món ăn này, Hà Giang còn có những đặc sản mà bạn có thể mang về làm quà cho bạn bè và gia đình, đó chính là chè San Tuyết, mật ong bạc hà hay bánh tam giác mạnh giòn,…Những món quà đặc biệt này chắc hẳn sẽ là lựa chọn tuyệt vời để bạn mang hương vị cao nguyên đá đến cho mọi người thưởng thức.

    Hà Giang là vậy, đẹp một cách giản dị, đơn sơ nhưng lại khiến bao trái tim du khách đều thổn thức. Hi vọng qua bài chia sẻ này các bạn sẽ có thêm động lực và kinh nghiệm để đến thăm vùng đất cực Bắc này nhé!

    Leave a Reply

    Your email address will not be published. Required fields are marked *