Nhật Bản đâu chỉ có trà xanh hay trà đạo! Tại xứ sở hoa anh đào, trà đã được nâng tầm thành một nghệ thuật thực thụ và là nét văn hóa đa dạng có lịch sử lâu đời. Hãy cùng Kinhnghiem247.edu.vn tìm hiểu những loại trà mà bạn có thể thưởng thức khi du lịch Nhật Bản nhé!
Bạn đang đọc: Những loại trà của Nhật Bản mà bạn có thể thử qua khi du lịch tới đất nước này!
Trà có ý nghĩa như thế nào đối với văn hóa Nhật Bản?
Trà là loại thức uống phổ biến nhất ở Nhật Bản, và là một phần quan trọng góp phần làm nên nền văn hóa ẩm thực nổi tiếng của đất nước này. Khi du lịch đến Nhật bạn có thể thấy rất nhiều loại trà được phục vụ tại khắp mọi nơi và có thể được dùng vào mọi thời điểm trong ngày.
Trà xanh là loại phổ biến nhất trong số đó, và khi nói đến “trà” (お茶, ocha) mà không đề cập gì thêm thì ai cũng ngầm hiểu đó là trà xanh. Đó cũng là loại trà giữ vị trí trung tâm trong các nghi thức trà đạo của người Nhật.
Người Nhật đã phát triển nghệ thuật thưởng trà như thế nào?
Trà được người Nhật biết đến lần đầu tiên vào thế kỷ thứ 8, bắt nguồn từ Trung Quốc. Trong thời kỳ Nara (710-794), trà được xem là loại sản phẩm xa xỉ chỉ dành riêng cho giới quý tộc và tôn giáo như một loại đồ uống dược liệu, và lượng trà được làm ra cũng rất ít.
Vào đầu thời kỳ Kamakura (1192-1333), người sáng lập Thiền tông Phật giáo Nhật Bản là Eisai đã mang nghệ thuật pha bột lá trà từ Trung Hoa về Nhật Bản. Nhờ đó việc trồng trà đã trở nên phổ biến và lan tỏa khắp nước Nhật, với những vùng trồng trà nổi bật nhất là Uji và đền Kozanji ở Takao.
Đến thời kỳ Muromachi (1333-1573), trà đã trở thành loại thức uống phổ biến đối với mọi tầng lớp người dân Nhật Bản. Người Nhật thường tụ họp tại những buổi tiệc trà lớn và chơi trò đoán tên, trong đó mọi người sẽ uống tách trà được chuyền tay nhau và đoán xem đó là loại trà gì, được trồng ở đâu. Những người giàu có thậm chí còn “phát triển” thú chơi sưu tầm những món đồ xa xỉ liên quan đến nghệ thuật uống trà.
Cũng trong khoảng thời gian này, một phong cách thưởng trà tinh tế hơn được hình thành, lấy cảm hứng từ Thiền tông và nhấn mạnh hơn vào các nghi thức cũng như giá trị tinh thần. Những buổi tiệc trà này thường chỉ gồm một vài người ngồi trong một căn phòng nhỏ, nơi chủ nhà sẽ mời trà thực khách để tạo nên bầu không khí thân mật hơn. Chính những buổi thưởng trà như vậy là tiền đề dẫn đến sự ra đời của nghệ thuật trà đạo nổi tiếng ngày nay.
Một vài trong số những vùng trồng trà nổi tiếng nhất của Nhật Bản là Shizuoka, Kagoshima và Uji. Dưới đây là danh sách những loại trà phổ biến được sử dụng nhiều mà bạn có thể dễ dàng bắt gặp khi tới thăm đất nước mặt trời mọc.
Trà làm từ cây trà
Ryokucha (trà xanh)
Gồm các loại gyokuro, sencha, bancha.
Khi cây trà đến kỳ thu hoạch, người nông dân sẽ phân loại ra nhiều cấp độ khác nhau tùy theo thời điểm lá trà được hái và mức độ lá trà tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Loại cao cấp nhất là gyokuro, những lá trà được thu hoạch trong lượt hái đầu tiên và được che bóng mát trong một thời gian trước khi thu hoạch.
Kế đến là sencha, cũng là sản phẩm của lượt hái đầu nhưng lá trà không được bảo vệ khỏi ánh nắng.
Cuối cùng là bancha, loại trà có phẩm chất kém hơn được hái vào những lượt sau.
Matcha (bột trà xanh)
Chỉ có những lá trà thượng hạng với chất lượng tốt nhất mới được dùng để làm ra matcha. Sau khi sấy khô lá trà, người Nhật sẽ nghiền chúng thành bột mịn để pha với nước nóng. Matcha chính là loại trà xanh được dùng trong nghi thức trà đạo truyền thống.
Konacha (cặn trà xanh)
Konacha thực chất là phần bụi trà cùng với những búp và lá trà còn sót lại sau quá trình chế biến các loại trà cao cấp như gyokuro và sencha. Mặc dù bị coi là loại trà thấp cấp hơn nhưng konacha có thể kết hợp rất tốt với một vài món ăn của người Nhật như sushi chẳng hạn. Loại trà này thường có sẵn dưới dạng tự phục vụ dành cho thực khách đến ăn tại các nhà hàng sushi bình dân.
Hojicha (trà xanh rang)
Tìm hiểu thêm: Du lịch Bali – Hòn đảo của những vị thần
Hojicha được làm ra bằng cách rang lá trà, nhờ đó tạo cho chúng màu nâu đỏ đặc trưng. Nhiệt độ cao của quá trình chế biến này cũng kích hoạt các phản ứng hóa học xảy ra bên trong lá trà và làm dậy hương thơm ngọt nhẹ hơi giống như caramel.
Genmaicha (trà xanh với gạo lứt rang)
Genmai là từ dùng để chỉ gạo lứt, loại gạo chưa được chà xát để tách bỏ vỏ cám. Hạt gạo genmai được rang và trộn với lá trà để làm ra genmaicha, trong đó chính thành phần gạo lứt rang giúp tạo ra màu vàng và hương vị khác biệt cho loại trà này. Genmaicha thường được dùng như một món thay thế cho trà xanh thông thường.
Oolongcha (trà ô long)
Đây là loại trà được chế biến theo cách của người Trung Quốc. Lá trà sẽ được để ngoài không khí cho oxi hóa một cách tự nhiên, sau đó người ta đem hấp hoặc rang chúng lên để dừng quá trình oxi hóa lại. Trà ô long có màu nâu đặc trưng và có thể được dùng nóng hoặc lạnh tại hầu như tất cả mọi cơ sở ăn uống trên khắp nước Nhật.
Kocha (trà đen)
Lá trà nếu được để cho oxi hóa lâu sẽ tạo nên màu đậm hơn trà ô long, khi đó chúng được gọi là kocha. Trong tiếng Nhật cái tên này thực ra có nghĩa là “trà đỏ thẫm”, thể hiện màu sắc đỏ nâu của trà. Kocha được dùng rất nhiều tại các nhà hàng và quán cafe theo phong cách phương Tây.
Jasmine-cha (trà với hoa nhài)
Trà hoa nhài được dùng rộng rãi ở đảo Okinawa, nơi chúng còn được gọi với cái tên là sanpincha, nhưng tại các địa phương khác của nước Nhật thì không được phổ biến lắm. Loại trà này được làm ra bằng cách kết hợp hoa nhài vào trà xanh hoặc đôi khi là trà ô long.
Các loại trà không có nguồn gốc từ cây trà
Mugicha (trà lúa mạch)
Đây là loại thức uống được làm ra khi hòa tan hạt lúa mạch đã rang chín vào nước. Loại “trà” này thường được dùng lạnh vào mùa hè, và nhiều người cho rằng nó phù hợp với trẻ em vì không chứa chất caffeine như lá của cây trà.
Kombucha (trà rong biển)
Người Nhật làm ra kombucha bằng cách hòa rong biển kombu đã được cắt nhỏ hoặc nghiền thành bột vào nước nóng. Loại “trà” này có vị mặn và đôi khi được phục vụ như một món để chào mừng các du khách tới các lữ quán (ryokan). Thú vị ở chỗ, có một loại thức uống lên men khác rất nổi tiếng cũng được gọi bằng cái tên kombucha, nhưng hoàn toàn khác với trà rong biển của người Nhật.
Bạn có thể tìm thấy những loại trà này ở đâu khi tới Nhật Bản?
Khi du lịch tới Nhật Bản bạn có thể thưởng thức các loại trà kể trên tại tất cả các nhà hàng, quán ăn, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, ki ốt, thậm chí có thể mua trà đóng chai từ các máy bán hàng tự động đặt trên đường phố.
Trong các nhà hàng, trà xanh thường được mang ra cho khách trong bữa ăn hoặc khi gần ăn xong, và hoàn toàn miễn phí! Những nhà hàng bình dân hơn thường có sẵn trà xanh hoặc mugicha để khách tự phục vụ, trong khi konacha thường chỉ có ở những nhà hàng sushi đắt tiền hơn, còn kocha thường có trong thực đơn của các quán cafe và nhà hàng theo phong cách phương Tây.
Ở một số đền chùa và vườn cảnh, du khách có thể được phục vụ các loại trà như ryokucha hay matcha. Phong cách thưởng trà tại các địa điểm này cũng rất thú vị: bạn sẽ ngồi trong một căn phòng yên tĩnh có trải chiếu tatami truyền thống của người Nhật, trước mắt là khung cảnh tuyệt đẹp của vườn cây và các công trình kiến trúc, còn trên tay là chén trà thơm ngát thường được dùng kèm với các món bánh ngọt truyền thống gọi là wagashi.
Đôi khi trà sẽ được tính trong phí vào cổng của địa điểm du lịch, nhưng thường thì bạn sẽ phải chi ra vài trăm yên để thưởng thức cách uống trà rất thi vị này.
Cuối cùng không thể không nhắc đến nhiều loại trà được bán trong các chai nhựa hoặc lon tại cửa hàng và máy bán hàng tự động trên khắp nước Nhật. Những chai trà này có thể nóng hoặc lạnh để bạn lựa chọn tùy thích, mặc dù trà nóng ít được sử dụng vào các tháng mùa hè, đặc biệt là trong các máy bán hàng tự động.
>>>>>Xem thêm: 5 lời khuyên cho những ai muốn đến Bhutan – “đất nước hạnh phúc nhất thế giới”
Nào, bạn đã thấy háo hức muốn khám phá hương vị độc đáo của những loại trà Nhật Bản rồi chứ? Nếu có dịp ghé thăm đất nước này hãy tranh thủ thưởng thức một nét văn hóa lâu đời và đậm đà bản sắc của người Nhật nhé!
Mời bạn xem thêm những bài viết liên quan:
Hãy tiếp tục đón xem Kinhnghiem247.edu.vn để khám phá thêm nhiều điều thú vị trong cuộc sống bạn nhé!