Khi những cơn mưa mùa hạ bắt đầu rơi tí tách, vạn vật như vui mừng đón chào một mùa mới sau bao tháng ngày đợi chờ trong khô hạn: mùa mưa. Mùa mưa đến, lá hoa, cây cỏ được tắm mát, một lần nữa tái sinh sau mùa xuân ấm áp. Trong thời khắc đáng yêu này, bạn đã tận hưởng sự xanh mát của thiên nhiên chưa? Nếu chưa, hãy cùng Bloganchoi đi “săn bướm rừng” – trải nghiệm mới lạ vào mùa mưa ở cánh rừng Nam Cát Tiên, Đồng Nai để thấy thiên nhiên mùa này tươi đẹp như thế nào nhé.
Bạn đang đọc: Săn bướm rừng: Trải nghiệm mới lạ nhuốm màu thần tiên ở Nam Cát Tiên
1. Địa điểm, đường đi đến rừng Nam Cát Tiên:
Vườn quốc gia Cát Tiên là một khu bảo tồn thiên nhiên thuộc địa bàn của 5 huyện: Tân Phú, Vĩnh Cửu (Đồng Nai); Cát Tiên, Bảo Lộc (Lâm Đồng) và Bù Đăng (Bình Phước), cách Thành phố Hồ Chí Minh 150 km về phía bắc. Phần nằm trên địa bàn huyện Tân Phú và Vĩnh Cửu được gọi là rừng Nam Cát Tiên.
Về đường đi, theo kinh nghiệm của vài phượt thủ, bạn hãy đi theo quốc lộ 1A. Đến ngã ba Dầu Giây, rẽ trái đi theo quốc lộ 20 (đường đi Đà Lạt). Đi khoảng 58km đến ngã ba Tà Lài, bạn tiếp tục rẽ trái và đi tiếp 24km nữa là đến Vườn quốc gia Cát Tiên.
Trên đoạn đường này có bảng chỉ dẫn, nếu muốn dễ hiểu, các bạn hỏi đường nói rõ đi Nam Cát Tiên là sẽ đến được với cánh rừng này.
2. Nam Cát Tiên – khu rừng tựa nơi tiên cảnh:
Sở hữu cảnh quan thiên nhiên đẹp quyến rũ, hút hồn, Nam Cát Tiên là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tìm về với thiên nhiên hoang dã, đặc biệt là dân khát phượt. Làm nên vẻ đẹp ấy, không thể không kể đến “món quà của tạo hóa” nơi đây: những cánh bướm rừng.
Tại Nam Cát Tiên, có đến gần 450 loài bướm được phát hiện, chiếm hơn một nửa tổng số loài bướm ngự trị ở nước ta. Đa dạng nhất là hệ bướm nhiệt đới ở khu bảo tồn thiên nhiên Vĩnh Cửu mà trong đó, loài bướm bạc Biên Hòa là động vật đặc hữu của Đồng Nai.
Có ai đó đã kể rằng, tên gọi của cánh rừng này – Nam Cát Tiên, gắn với câu chuyện cổ về một nàng tiên nơi thiên đình. Trong vài lần lạc bước nơi hạ thế, nàng đã đặt bước ngọc ngà đến đây để vui chơi và tận hưởng không khí trong xanh, mát mẻ. Nơi đây hoang sơ, mơ mộng đến nỗi khiến nàng ngỡ như mình vẫn còn ở chốn tiên cung vậy.
Có phải chăng mà vì thế, những cánh bướm cũng trở nên thần tiên, huyền ảo? Những cánh bướm như hiện thân của nàng tiên thuở trước, đẹp một cách thần tiên, kỳ bí.
3. Săn bướm rừng – trải nghiệm mới lạ nhuốm màu thần tiên:
Một ngày trời trong xanh, nếu đến đây, bạn sẽ hết sức kinh ngạc trước vẻ đẹp của những cánh bướm rừng sặc sỡ sắc màu đang “bung lụa” trong không trung. Chúng có khi đậu thành từng mảng dày đặc ở ven bìa rừng, có khi đang tách kén, có khi đậu ở những vũng nước nhỏ sau mưa để hút muối khoáng. Bướm ở đây không nhút nhát như những cánh bướm chúng ta từng gặp, nên bạn sẽ thấy chúng thường đậu lên vai người, quấn lấy xung quanh bạn, đuổi theo bước chân bạn như cuốn lấy người tình trăm năm mới gặp lại.
Tìm hiểu thêm: Những địa điểm bạn không nên bỏ qua khi ghé thăm Đà Lạt
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của một nhiếp ảnh, nếu muốn chụp ảnh chúng, bạn phải chịu mùi hôi: dùng mắm ruốc làm mồi. Khi “dụ dỗ” chúng bằng mắm ruốc – được bôi lên chỗ bạn muốn chụp, chúng sẽ sà đến đấy từng đàn, tạo dáng hết sức xinh đẹp. Lúc ấy, bạn tha hồ cho ra lò những bức ảnh đậm chất thần tiên, rực rỡ sắc màu.
>>>>>Xem thêm: Hallstatt – thị trấn bước ra từ cổ tích
Đến đây, bạn còn thấy vô cùng thoải mái với khí hậu mát mẻ bởi cánh rừng này nằm sát khúc sông Đồng Nai. Ngoài đi săn bướm, cánh rừng này còn hút khách với nhiều hoạt động khác như đi bộ xuyên rừng, cắm trại, nhìn ngắm những loài động vật hoang dã,…
4. Về chỗ ăn, ở:
Chỗ ở bạn có thể ở lều, ở phòng tập thể hay nhà nghỉ đậm chất “núi rừng” như Nhà nghỉ voi, nhà nghỉ Gấu, nhà nghỉ Gõ Đỏ. Còn ăn uống thì bạn có thể ăn ở nhà hàng của Trung tâm du lịch Nam Cát Tiên hoặc tự mang theo để tận hưởng đúng kiểu “khám phá” nha.
Thế nên bạn ơi, nếu có phượt, hãy vào rừng Nam Cát Tiên vào mùa mưa này. Bạn sẽ có trải nghiệm vô cùng huyền ảo, thần tiên, ngỡ như mình đang thoát tục hoàn toàn, thả hồn theo lá cây, hoa rừng, bướm tiên. Thật là một chuyến đi khó quên đúng không nào?