Hãng phim hoạt hình huyền thoại Ghibli là cái nôi của những tác phẩm hàng đầu trong làng anime. Những thế giới trong phim Ghibli đã làm say mê nhiều thế hệ khán giả trên khắp thế giới và chắc chắn sẽ còn sống mãi với thời gian. Nhưng bạn có biết rằng nhiều bối cảnh trong phim của hãng được lấy cảm hứng từ những địa điểm có thật ngoài đời? Hãy cùng Kinhnghiem247.edu.vn khám phá nhé!
Bạn đang đọc: Những địa điểm có thật trong phim hoạt hình của Ghibli, từ Nhật Bản đến hòn đảo Bắc Âu!
Những bối cảnh giả tưởng trong phim Ghibli luôn ngập tràn sự sáng tạo và khác biệt so với những bộ phim “bình thường” khác. Từ thị trấn ma quái trong Vùng đất linh hồn cho đến khu rừng rậm rạp của Totoro, đó đều là những ý tưởng có một không hai đã được hiện thực hóa trên màn ảnh rộng và thể hiện tài năng cùng sức sáng tạo bậc thầy của các nhà làm phim.
Trên đời này chẳng có thứ gì sinh ra từ hư vô cả. Thực tế đội ngũ sáng tạo của Ghibli vẫn luôn tìm kiếm những địa điểm ngoài đời thật để lấy cảm hứng “nhào nặn” nên thế giới hoạt hình của riêng mình. Hãy cùng điểm qua một vài cái tên nổi bật nhất mà bạn nhất định phải thêm vào danh sách điểm đến của mình trong hành trình du lịch nhé!
1. Đồi Sayama – Phim Hàng xóm của tôi là Totoro (1988)
Nằm cách Tokyo khoảng một giờ lái xe là một mảng xanh bao la tươi tốt đã khơi nguồn cảm hứng cho một trong những bộ phim được yêu thích nhất của Hayao Miyazaki. Đồi Sayama là một công viên rừng thuộc địa phận tỉnh Saitama, nơi tạo tiền đề cho những cảnh phim bình dị đời thường trong Hàng xóm của tôi là Totoro.
Vùng thôn quê thoáng rộng trong phim phản ánh đúng bối cảnh ngoài đời thật, với một cung đường mòn tự nhiên dành cho du khách đi qua một địa điểm có tên là Rừng Totoro.
Nếu đi hết con đường để tới một cửa hàng có tên là Nhà Kurosuke, bạn sẽ bắt gặp bức tượng Totoro có kích cỡ giống như trong phim đang chờ được chụp ảnh selffie cùng, bên cạnh đó là một tiệm bán quà lưu niệm và bảng thông tin nhằm nâng cao ý thức bảo tồn khu vực này trước tình trạng đô thị hóa.
Đó cũng chính là ngụ ý có phần luyến tiếc mà bộ phim muốn truyền tải: cả niềm vui tuổi thơ và vùng thôn quê xinh đẹp đều không thể tồn tại mãi mãi.
2. Thị trấn Jiufen, Đài Loan (Trung Quốc) – Phim Vùng đất linh hồn (2001)
Kiệt tác Vùng đất linh hồn của đạo diễn tài hoa Miyazaki đã lấy cảm hứng từ rất nhiều địa điểm ngoài đời thực, nhưng quan trọng nhất có lẽ là Jiufen (Cửu Phần), một thị trấn miền núi nằm ở ngoại ô thủ phủ Đài Bắc của Đài Loan (Trung Quốc).
Jiufen có một lịch sử đầy biến động nhưng cũng khá u buồn khi từng là trung tâm của cơn sốt đào vàng tại Đài Loan. Sau đó khi bị chiếm đóng bởi người Nhật vùng lãnh thổ này lại được dùng làm nơi giam giữ tù binh trong Chiến tranh thế giới thứ hai, giai đoạn này nhiều tù nhân đã bị đưa đến các mỏ vàng để làm việc.
Kết quả là Jiufen mang trong mình bầu không khí đậm chất quá khứ cổ xưa, giúp nó trở thành địa điểm lý tưởng để làm bối cảnh cho Vùng đất linh hồn, một nơi tồn tại bên ngoài không gian và thời gian của chúng ta.
Khi đến tham quan khu vực này bạn có thể nhận ra những khung cảnh từng xuất hiện trong phim: những chiếc đèn lồng đỏ, kiến trúc Á Đông lộng lẫy đặc trưng, những cầu thang xoắn và vô số những tiệm bán đồ ăn ngon mà chẳng bao giờ biến thực khách thành những chú ỉn như trong phim!
3. Quận Takase, tỉnh Yamagata – Phim Chỉ còn ngày hôm qua (1991)
Nằm ở cực Bắc của Nhật Bản là tỉnh Yamagata, một vùng nông nghiệp quan trọng của cả nước và là bối cảnh chủ đạo cho những thước phim nao lòng năm 1991 của đạo diến Isao Takahata. Chỉ còn ngày hôm qua (Only Yesterday) là câu chuyện kể về một cô nhân viên văn phòng tại Tokyo hoài niệm những ngày thơ ấu trong lúc đi nghỉ tại một vùng thôn quê.
Lối sống bình dị vùng nông thôn của tỉnh Yamagata được thể hiện xuyên suốt bộ phim thông qua âm nhạc độc đáo được lấy từ những bài hát dân ca của người Romania, đồng thời cũng được đề cập trong những lời thoại đầy tâm tư khi nhân vật chính Taeko bị giằng xé giữa hai lựa chọn: cuộc sống bộn bề tấp nập của Tokyo hay những ngày làm nông dân “nhà quê” với cuộc sống đơn giản và bớt hối hả ở vùng nông thôn.
Có thể thấy tình yêu của đạo diễn Takahata dành cho cuộc sống đậm chất thôn quê đã được thể hiện trong bộ phim này bằng những nét vẽ tươi sáng tuyệt đẹp.
4. Dogo Onsen – Phim Vùng đất linh hồn
Hãng phim Ghibli lúc nào cũng “tranh thủ” lồng ghép những đặc sản văn hóa của đất nước mặt trời mọc vào các tác phẩm đình đám của mình, từ những điều bình dị thường ngày trong Gia đình nhà Yamada (1999) cho đến những truyền thuyết dân gian trong Cuộc chiến gấu mèo (Pom Poko, 1994).
Các nhà tắm công cộng cũng là một nét truyền thống đặc sắc như thế. Nhiều người tin rằng khu nhà tắm đầy những vị khách đặc biệt trong Vùng đất linh hồn được lấy cảm hứng từ Dogo Onsen, một tòa nhà cổ kính ở Matsuyama có tuổi đời từ thế kỷ 19.
Tìm hiểu thêm: 10 địa điểm siêu thú vị khi du lịch Cần Thơ không thể bỏ lỡ để có chuyến đi tuyệt vời
Cũng tương tự như nhà tắm trong phim luôn đón chào những vị thần và linh hồn “cao quý” chờ được phục vụ, Dogo Onsen cũng là điểm đến yêu thích được Hoàng gia Nhật Bản thường xuyên ghé thăm.
Cả kiến trúc bên trong và tạo hình bên ngoài tinh xảo của Dogo Onsen đều được đưa vào bộ phim: bước vào bên trong tòa nhà bạn sẽ thấy một mê cung gồm những hành lang trải chiếu tatami, nhiều cầu thang và lối đi có những nhân viên cần mẫn “trượt” qua lại để lau sàn giống hệt như trong phim!
5. Yakushima – Phim Công chúa Mononoke (1997)
Đây có lẽ là ví dụ rõ ràng nhất về một địa điểm ngoài đời thật được đạo diễn Miyazaki đưa lên màn ảnh thông qua nét vẽ của Ghibli. Yakushima là một hòn đảo cận nhiệt đới nằm ngay ngoài khơi điểm cực Nam của Nhật Bản, và bản thân lịch sử của nó cũng đã là một huyền thoại.
Đảo Yakushima được biết đến lần đầu tiên vào thời kỳ Jomon, giai đoạn sớm nhất trong lịch sử nước Nhật bắt đầu từ khoảng 14.000 năm trước Công nguyên. Là một trong những khu vực rừng xanh quanh năm lâu đời nhất thế giới, đảo Yakushima gắn liền với những câu chuyện huyền bí và tín ngưỡng Thần đạo tôn thờ thiên nhiên giống như chủ đề khá “u ám” về môi trường sinh thái bị con người hủy diệt được thể hiện trong phim.
Có lẽ chính vì vậy mà khi dạo bước dưới những tán cây cổ thụ trên đảo này – nhiều cây trong số chúng có thể già tới 1000-2000 năm tuổi – bạn sẽ có cảm giác như đang bước chân vào một khu rừng phép thuật vậy.
6. Khách sạn Kamikochi Imperial – Phim Gió nổi (2013)
Bộ phim “lẽ ra” sẽ là tác phẩm cuối cùng của Miyazaki trước khi giải nghệ này được đầu tư cực kỳ công phu, với chủ đề tập trung vào chiến tranh, ý chí sáng tạo, đạo đức con người và những điều được-mất phải đánh đổi khi theo đuổi giấc mơ của cuộc đời mình.
Hai phân cảnh then chốt nhất của Gió nổi diễn ra tại khách sạn Kusukaru, một địa điểm giả tưởng nhưng được lấy cảm hứng trực tiếp từ Khách sạn Kamikochi Imperial nằm gần dãy núi Alps của Nhật Bản. Trong một cảnh phim, người đàn ông lạ mặt với đôi mắt xám đã cảnh báo về sự điên rồ đến mức gây ra thảm họa của Chiến tranh thế giới thứ hai cũng như kết cục đen tối của nước Nhật đang hiển hiện thấy rõ.
Cảnh phim còn lại là khi kỹ sư thiết kế máy bay Jiro Horikoshi tìm thấy tình yêu đích thực của đời mình và phóng chiếc máy bay giấy lên ban công phòng cô – cô gái Naoko bị bệnh tật hành hạ nhưng vẫn giữ trong mình trái tim trong sáng yêu đời.
Khách sạn sang trọng trong phim có nhiều điểm giống với nguyên mẫu ngoài đời thật, kể cả tại thời điểm Kamikochi Imperial mới bắt đầu hoạt động hồi năm 1933.
7. Rừng tre Arashiyama – Phim Công chúa Kaguya (2013)
Kyoto là cố đô của Nhật Bản về mặt hành chính, nhưng xét trên nhiều phương diện về tinh thần thì nơi này vẫn luôn là kinh đô thực sự. Thành phố này là thủ đô của đất nước mặt trời mọc từ năm 794 sau Công nguyên đến tận năm 1868, thời điểm Tokyo được giao lại vai trò này trong thời kỳ Edo.
Bản thân Kyoto cùng với những khu vực lân cận vẫn còn lưu giữ hàng trăm đền chùa Phật giáo và Thần đạo. Trong bộ phim cuối cùng của đạo diễn Isao Takahata, một gia đình nông dân đã tìm thấy bé gái tí hon bên trong một ống tre rỗng trong rừng.
Rừng tre Arashiyama nằm ngay bên ngoài thành phố Kyoto là nguồn cảm hứng cho tác phẩm này, với không gian rậm rạp tre trúc đắm chìm trong bầu không khí đậm chất lịch sử và linh thiêng, nơi cô bé ngày nào dần lớn lên thành một thiếu nữ luôn day dứt trong mình câu hỏi về nguồn cội.
Khu rừng lâu đời với những thân tre cao vút nghiêng mình làm say mê du khách đã nói lên tinh thần được gửi gắm trong bộ phim: tạo hóa bí ẩn và toàn năng sẽ luôn sống mãi, trường tồn và mạnh mẽ hơn bất kỳ thế lực nào do con người tạo ra.
8. Đảo Gotland, Thụy Điển – Phim Cô phù thủy nhỏ Kiki (1989)
Cùng với Porco Rosso (1992) thì Cô phù thủy nhỏ Kiki là bộ phim đặc biệt của hãng Ghibli nói chung và riêng đạo diễn Miyazaki vì đã tạm rời xa motif văn hóa Nhật Bản quen thuộc để khắc họa lối sống châu Âu hiện đại độc đáo.
Những tiệm bánh đáng yêu, những đường phố nhộn nhịp và lối kiến trúc mê hoặc mà khán giả thích thú trong những cảnh phim đã được vẽ nên sau khi đạo diễn Hayao Miyazaki cùng các cộng sự ghé thăm thủ đô Stockholm và thành phố Visby trên đảo Gotland của Thụy Điển để nghiên cứu trước khi làm phim.
>>>>>Xem thêm: 10 địa điểm nên khám phá khi du lịch Argentina – Quê hương của điệu nhảy tango
Thực ra điều đó cũng nhằm giữ đúng những yếu tố trong nguyên tác của Kiki là cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Eiko Kadono, lấy bối cảnh một thành phố giả tưởng ở khu vực Bắc Âu. Thông điệp của những chuyến đi “xa nhà” như vậy là rất rõ ràng, không chỉ với cô phù thủy nhỏ Kiki mà còn dành cho tất cả khán giả chúng ta: khi bước ra khỏi vùng an toàn quen thuộc và bị đặt vào những vùng đất mới, ta sẽ tìm thấy sức mạnh thực sự của bản thân.
Đó là những “thánh địa” có thật làm nên thành công cho các tác phẩm để đời của hãng phim huyền thoại Ghibli. Bạn mơ ước được ghé thăm nơi nào nhất trong danh sách này? Hãy để lại bình luận bên dưới nhé!
Mời bạn khám phá tiếp những điểm đến hấp dẫn khác cùng Kinhnghiem247.edu.vn:
Hãy ghé thăm Kinhnghiem247.edu.vn để cập nhật những thông tin thú vị mỗi ngày bạn nhé!