Là một người dân của mảnh đất hình chữ “S” thân yêu này, chắc hẳn ai cũng muốn được một lần đến và viếng thăm Lăng Bác – vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Hôm nay, hãy theo chân mình về cùng viếng thăm và tìm hiểu công trình có ý nghĩa này nhé.
Bạn đang đọc: Viếng thăm Lăng Bác Hồ – Nơi yên nghỉ vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam
Vị trí của Lăng Bác
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh có địa chỉ tại số 2 đường Hùng Vương, phường Điện Bàn, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội. Đây là vị trí lễ đài cũ tại Quảng Trường Ba Đình – nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam vào ngày 2/9/1945. Vị trí này vô cùng thuận lợi nên du khách có thể đến đây bằng nhiều phương tiện khác nhau, kể cả xe cá nhân hay phương tiện giao thông công cộng.
Lịch sử hình thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Trước lúc từ trần, Chủ tịch Hồ Chí Minh muốn được hỏa táng và đem phần tro cốt của mình đặt ở ba miền của Tổ quốc. Nhưng với tâm tư và nguyện vọng của Đảng và nhân dân lúc bấy giờ, Bộ Chính trị đã quyết định giữ gìn nguyên vẹn thi hài của Bác và xây dựng một khu lăng mộ để Bác có thể sống mãi cùng với dân tộc, và để mọi người có thể đến viếng thăm và tưởng niệm.
Năm 1969, vào những ngày cuối cùng trước khi Bác đi xa, đã có chuyên gia từ Liên Xô bí mật sang nước ta nhằm cố vấn và hỗ trợ Việt Nam về công nghệ ướp xác. Sau khi Bác qua đời, việc ướp thi hài Người được thực hiện vào bảy ngày sau đó.
Hình ảnh lăng Bác đang xây dựng (Ảnh: Internet)
Khi lễ an táng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kết thúc, Ban quy hoạch đã bắt tay ngay vào việc lên kế hoạch xây dựng lăng. Tháng 1/1970, Liên Xô đã cử một đoàn chuyên gia sang hỗ trợ việc thiết kế và xây dựng lăng.
Tháng 10/1970, Bộ Chính Trị thông qua dự thảo nhiệm vụ xây dựng lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh do các chuyên gia Việt Nam và Liên Xô đề ra.
Vào ngày 2/9/1973, lăng Bác chính thức được khởi công xây dựng và khánh thành vào ngày 19/5/1975.
Khám phá kiến trúc của Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Vật liệu xây dựng lăng Bác được lấy từ nhiều vùng miền trên khắp mọi miền của Tổ quốc như cát ở những con suối thuộc xã Kim Tiến, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, đá Nhồi ở Thanh Hóa, đá đỏ núi Non Nước, nhiều loại gỗ quý ở khu vực Trường Sơn…
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một công trình đồ sộ và kiên cố dạng hình vuông được thiết kế vững chắc, có công trình chống lụt phòng trường hợp Hà Nội vỡ đê, có thể chống chịu được bom đạn và động đất với cường độ lên đến 7 độ Richter.
Bên ngoài lăng Bác được ốp bằng đá granite xám, cùng với nhiều hàng cột bằng đá hoa cương xung quanh. Nổi bật trên đỉnh lăng là dòng chữ màu đỏ thẫm: “CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH“.
Ở tiền sảnh của lăng có dòng chữ “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do” cùng chữ kí của Chủ tịch Hồ Chí Minh được dát vàng. Trước cửa Lăng Bác luôn có hai chiến sĩ làm nhiệm vụ canh gác và được đổi gác theo giờ.
Tìm hiểu thêm: Những điều thú vị khi du lịch Lào – đất nước láng giềng xinh đẹp và giàu văn hóa
Thi hài của Bác được đặt trong hòm kính có thể chịu được tác động cơ học lớn, được chế tạo bởi những người thợ tay nghề cao của Việt – Xô và đặt ở phòng chính giữa của lăng được ốp đá cẩm thạch Hà Tây. Thi hài của Bác mặc bộ quần áo kaki bạc màu, dưới chân có đặt đôi dép cao su mà Người vẫn dùng lúc sinh thời.
Cảnh quan xung quanh lăng rất hài hòa với thiên nhiên xanh tốt bốn mùa. Trước mặt lăng là cột cờ, hằng ngày đều diễn ra Lễ thượng cờ và Lễ hạ cờ.
Giờ mở cửa lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Khi viếng lăng Bác, du khách cần phải có tác phong nghiêm túc, giữ trật tự và tuân thủ các quy định về thời gian viếng như sau:
- Vào lúc 7h30 – 10h30 các ngày Thứ Ba – Thứ Năm và Thứ Bảy – Chủ Nhật đối với mùa nóng (từ 1/4 đến 31/10 hàng năm).
- Từ 8h – 11h vào các ngày Thứ Ba – Thứ Năm và Thứ bảy – Chủ Nhật đối với mùa lạnh (từ 1/11 đến 31/3 năm sau).
- Đối với các ngày Lễ lớn và Thứ Bảy, Chủ Nhật thì thời gian viếng được kéo dài thêm 30 phút. Riêng những ngày Lễ như Sinh nhật Bác, Quốc Khánh, Mùng 1 Tết âm lịch nếu rơi vào Thứ Hai hoặc Thứ Sáu thì Lăng Bác vẫn mở cửa chào đón du khách đến viếng thăm.
>>>>>Xem thêm: 10 thành phố cổ tuyệt đẹp không nên bỏ lỡ khi du lịch Trung Quốc
Ngoài ra, Lễ thượng cờ được cử hành hàng ngày vào lúc 6h sáng (vào mùa nóng) và 6h30 (vào mùa lạnh), Lễ hạ cờ diễn ra lúc 9h mỗi tối.
Trên đây là một vài thông tin mà mình tìm hiểu được về Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nếu có ý kiến đóng góp hãy để lại bên dưới phần bình luận. Cảm ơn các bạn đã quan tâm theo dõi. Chúc các bạn có một ngày làm việc vui vẻ. Thân ái chào và hẹn gặp lại!
Mời bạn xem thêm các bài viết liên quan:
Hãy theo dõi Kinhnghiem247.edu.vn để cập nhật nhiều thông tin bổ ích nhé!